Mức điểm tối thiểu các tổ hợp xét vào đại học 205

 

Sau khi bàn bạc và thống nhất, Bộ GD-ĐT đã quyết định mức điểm tối thiểu đối với các tổ hợp xét tuyển vào đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với thí sinh thi trung học phổ thông quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì là 15,0 điểm.

Chiều 28/7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đã họp, thảo luận, tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH, CĐ của thí sinh dự thi THPT quốc gia tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Chỉ có duy nhất một mức điểm sàn trong xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015

Hội đồng đã phân tích kinh nghiệm xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào những năm trước thông qua các yếu tố: Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng: tùy thuộc số lượng thí sinh dự thi vào từng khối thi của từng năm; tuy nhiên, ít thay đổi, dao động khoảng từ 13-14 điểm đối với tất cả các khối thi.
Hệ số dôi dư: để đảm bảo nguồn tuyển, tùy thuộc vào tỉ lệ ảo của các khối thi. Những khối thi có tỉ lệ ảo thấp hệ số dư dôi thường 1,3-1,4; những khối thi có tỉ lệ ảo cao, hệ số dư dôi có khi lên đến 2-3 lần chỉ tiêu.
Chính sách ưu tiên tuyển sinh theo khu vực và đối tượng: chính sách ưu tiên đối tượng và khu vực năm nay có điều chỉnh chút ít so với năm ngoái do tình hình kinh tế xã hội của một số khu vực, vùng miền đã có những cải thiện.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng thảo luận những đặc thù của việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2015. Chỉ xem xét kết quả thi của 720.000 thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
Bộ GD-ĐT cho biết, số tổ hợp xét tuyển đa dạng. Có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển các trường sử dụng phổ biến nhất. Ngoài ra có hơn 50 tổ hợp xét tuyển khác sử dụng ở một vài trường, ngành; Nhiều thí sinh có thể được xét tuyển nhiều tổ hợp. Phần lớn thí sinh dự thi 4 môn, có thể tham gia xét tuyển nhiều tổ hợp; Có 198 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh, xét tuyển dựa vào kết quả học tập phổ thông.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D đều tăng so với năm ngoái. Các khối A, B, C có điểm trung bình từ 16-18 điểm; các khối khác dao động khoảng từ 13-15 điểm.
Số lượng thí sinh thi đủ các môn theo các khối khác nhau: Khối D nhiều nhất, trên 500.000 do đây là các môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, khối A khoảng trên 300.000.
Đánh giá về độ ảo, Bộ GD-ĐT cho rằng: Ảo có thể do thí sinh dịch chuyển từ khối này sang khối khác; hầu như không có ảo trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Nguyên tắc xét định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dựa vào đảm bảo ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học được ở bậc ĐH, CĐ; Hệ số dư dôi phù hợp để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường; Đưa ra nguyên tắc chung nhất để xác định ngưỡng điểm tối thiểu cho tất cả các tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Sau khi Hội đồng họp bàn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định: Mức điểm tối thiểu đối với các tổ hợp xét tuyển vào đại học hệ chính quy đối với thí sinh thi trung học phổ thông quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì là 15,0 điểm.
Đối với hệ cao đẳng: Mức điểm tối thiểu thấp hơn mức điểm hệ đại học tương ứng là 3,0 điểm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra lũy kế kết quả thi của thí sinh tương ứng với các khối thi truyền thống. Thí sinh có thể căn cứ trên số liệu thống kê này để quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp. Các cơ sở giáo dục có thể căn cứ vào dữ liệu này và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để xác định ngưỡng điểm xét tuyển vào trường mình. 
(Nguồn : Dantri.com.vn)